//= get_template_directory_uri() ?>
Những số liệu vĩ mô đáng chú ý trong tuần qua ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang cho chúng ta thấy một điểm chung: sự suy yếu của lạm phát – disinflation.
Với Trung Quốc, lạm phát CPI trong tháng 4/2023 đạt 0.1%, là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng giảm thứ ba liên tiếp so với tháng trước. Còn lạm phát CPI cơ bản duy trì ở bằng hoặc dưới mức 1% trong 13 tháng liên tiếp. Ở một khía cạnh khác thì dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy tín dụng và các khoản vay mới tệ hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 4 khi người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế vay mượn.
Đối với Hoa Kỳ, rõ ràng là thời kỳ tồi tệ nhất của lạm phát cơ bản đã qua và quá trình giảm dần trở lại trạng thái bình thường đã bắt đầu. Lạm phát CPI hàng năm đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021—và về mặt kỹ thuật đã đưa lạm phát CPI cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 (mặc dù vẫn đang dao động trong phạm vi 5.5% – 5.7% kể từ đầu năm). Lạm phát giá dịch vụ đã giảm xuống 6.8%, với thành phần nhà ở đạt đỉnh gần đây và giảm tốc một chút và các thành phần không phải là nhà ở giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thấy tiến triển hướng tới việc ổn định lạm phát cốt lõi không bao gồm chi phí nhà ở, Fed coi đây là yếu tố quan trọng đối với lạm phát cơ bản, ngoài ra thì là áp lực chi phí lao động đang giảm dần khi nền kinh tế nguội đi. Chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ tăng 2.3%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng lên 264,000 – mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2021.
Nền kinh tế Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu kém vững vàng của quá trình hồi phục sau khi mở cửa trở lại, và nếu tăng trưởng bị đe dọa thì gần như chắc chắn các biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ tiếp tục được đưa ra. Đối với Mỹ, những dữ liệu mới nhất cho thấy cuộc chiến chống lạm phát gần như đã ngã ngũ và Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed đang ở một vị thế hoàn toàn có thể đưa ra quyết định dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới đây nếu không có gì bất ngờ. Đây đều là những thông tin tích cực cả về mặt nền kinh tế thực cũng như thanh khoản cho Việt Nam – nơi có mối quan hệ giao thương mật thiết với Trung Quốc và cũng chịu tác động rất lớn từ thanh khoản toàn cầu đại diện bởi đồng USD.
Nói đến nội bộ Việt Nam, trong tuần vừa qua chúng ta thấy những quyết tâm của Quốc hội cũng như chủ tịch Quốc hội về việc phải hỗ trợ giúp nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn suy yếu trong cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội vào đầu tuần. Sau đó là những phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về việc sẽ cân nhắc tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong một hội nghị vào giữa tuần. Đây đều là những động thái không quá bất ngờ và như chúng tôi đã đề cập và duy trì quan điểm của mình, với thanh khoản dồi dào hiện tại và những quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi thì khả năng rất cao chúng ta đang ở điểm xoay chiều của thị trường cổ phiếu để bước vào một chu kỳ mới. Trong tuần vừa qua, thị trường cổ phiếu chứng kiến sự bật tăng của những nhóm ngành mang tính chu kỳ cao điển hình như Thép hay Chứng khoán – diễn biến ủng hộ cho quan điểm này.
02/10/2024
Chu kỳ thanh khoản mở rộng nối dài: Thanh khoản toàn cầu cải thiện sau các động thái nới lỏng từ NHTW các nước, điểm...
18/07/2024
KỊCH BẢN THỊ TRƯỜNG 6 THÁNG CUỐI NĂM Chúng tôi cho rằng VNINDEX sẽ kết thúc năm quanh mốc 1,310, tương ứng mức tăng 15.94%ytd...