Trung tâm phân tích

GTJAS Vietnam_Weekly Strategy Notes 29_20230710

10/07/2023

Chia sẻ:

NHẬN ĐỊNH CHIẾN LƯỢC

Câu chuyện trung tâm của nhận định chiến lược tuần này sẽ tiếp tục là một vấn đề được đề cập đến liên tục trong một vài tuần gần đây: Tỷ giá – trên cả phương diện Việt Nam và thế giới.

Hãy mở đầu từ Việt Nam, vì tuần vừa qua chắc chắn là một tuần biến động lớn của tỷ giá USD/VND so với diễn biến của một vài tháng gần đây. Tỷ giá tăng mạnh trong ba ngày đầu tuần rồi lại hạ nhiệt và giảm đi đáng kể trong hai ngày cuối tuần.

Quay trở ra với thế giới, chỉ số DXY – đại diện cho sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền lớn khác trên thế giới thậm chí vẫn đang trong xu hướng giảm trong một vài tuần gần đây – nhưng tương quan của đồng USD với các đồng tiền châu Á thì lại cho thấy một chuyển động mạnh hơn rất nhiều khi hai đồng tiền của hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc trong nhiều tuần gần đây đã liên tục mất giá mạnh so với đồng USD.

Chắc chắn là có rất nhiều cách lý giải chính thống và hợp lý cho những chuyển động này: Với Nhật Bản là việc Bank of Japan BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình – dù trước đó đã có những kì vọng về việc với sự thay đổi của người lãnh đạo, thống đốc cũ Haruhiko Kuroda từ nhiệm và thống đốc mới Kazuo Ueda chính thức tại nhiệm, thì BoJ sẽ có những thay đổi trong chính sách kiểm soát đường cong lãi suất (Yield Curve Control) của mình. Còn với Trung Quốc, đó là việc quá trình hồi phục của nền kinh tế khi mở cửa trở lại không cho thấy sự mạnh mẽ như kì vọng và tiếp sau đó là những chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC (Ngân hàng trung ương của Trung Quốc). Những điều này đặt trong bối cảnh chung về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và kì vọng duy trì nền lãi suất cao trong thời gian dài thì đều khiến những chuyển động của tỷ giá trở nên dễ hiểu và dễ chấp nhận.

Tuy nhiên, một vài diễn biến gần đây có thể cho chúng ta những góc nhìn thú vị về những gì đang diễn ra. Cụ thể thì vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, ông Pan Gongsheng, phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và người đứng đầu Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), đã được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Ngân hàng trung ương, thay thế cho ông Guo Shuqing, người mới nghỉ hưu. Trong khi đó, thống đốc hiện tại của PBoC, ông Yi Gang cũng không còn giữ các chức vụ trong Đảng. Do đó, đây có thể coi là một động thái dọn đường cho Pan ông Gongsheng trở thành thống đốc tiếp theo của PBoC.  Điều đáng chú ý, là cả hai người Guo Shuqing và Yi Gang đều mới được tái bổ nhiệm lại trong tháng 3/2023 nên việc vị trí của họ được thay thế, và được thống nhất vào tay của chỉ một người, chắc chắn là một việc có nhiều ý nghĩa. Và nếu nhìn vào vị trí hiện tại của ông Pan – người đứng đầu Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) thì rõ ràng là để nhắm tới việc ổn định tỷ giá của đồng Nhân dân tệ, vốn đang trên đà mất giá rất mạnh. Ngay sau quyết định bổ nhiệm mới này, PBoC đã gần như thay đổi 180 độ trong vị thế điều hành chính sách tiền tệ của mình, khi họ chuyển sang hút ròng thanh khoản trên thị trường tiền tệ của mình thay vì bơm ròng để nới lỏng tiền tệ và kích thích tín dụng như trước đó.

Vào cuối tuần vừa qua, chúng ta chứng kiến sự suy yếu của đồng USD với một loạt đồng tiền lớn khác, trong đó mạnh nhất là đồng Yên của Nhật Bản, đồng tiền mà trong khoảng hơn một năm qua chứng kiến tương quan gần như là 1:1 với đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc. Đồng thời chúng ta có chuyến công du dài ngày của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen tới Trung Quốc. Những sự cải thiện trong mối quan hệ Mỹ – Trung này có thể sẽ đem tới những sự cải thiện hơn nữa của các đồng tiền nội tệ trong tương quan với đồng USD, trong đó có thể là cả đồng Việt Nam Đồng của chúng ta – và tác động tích cực giúp giảm thiểu rủi ro của việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) trong thời gian vừa qua, và thậm chí có thể là những lần giảm lãi suất tiếp theo sắp tới đây.

Danh sách báo cáo liên quan

GTJASVN Research_Báo cáo chiến lược tháng 10_Chu kỳ thanh khoản cải thiện có giúp VNINDEX vượt 1300_Oct2024

02/10/2024

Chu kỳ thanh khoản mở rộng nối dài: Thanh khoản toàn cầu cải thiện sau các động thái nới lỏng từ NHTW các nước, điểm...

GTJASVN Research_Báo cáo chiến lược đầu tư 2H.2024_ Mid year Outlook_July v1.0

18/07/2024

KỊCH BẢN THỊ TRƯỜNG 6 THÁNG CUỐI NĂM Chúng tôi cho rằng VNINDEX sẽ kết thúc năm quanh mốc 1,310, tương ứng mức tăng 15.94%ytd...

Liên hệ với chúng tôi

    Thông tin tuân thủ xin liên hệ:

    compliance@gtjas.com.vn

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1262.76   5.26   (0.42%)
    • HNX: 228.51   1.44   (0.64%)