Tin tức

Phó Giám đốc Phân tích: Nên phân tích kỹ để sàng lọc được những cơ hội đầu tư có giá trị

20/11/2023

Chia sẻ:

Tháng 10 – tháng cao điểm của mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết, đây được coi là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, bối cảnh thế giới với xung đột chính trị căng thẳng, lạm phát tăng cao khiến nhiều nền kinh tế phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, biến động về vĩ mô cả trong nước và thế giới… đã khiến TTCK Việt Nam trải qua một tháng Mười rực lửa với mức giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Nhà đầu tư hãy cùng Tạp chí Chứng khoán và bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) nhìn lại những diễn biến của TTCK trong tháng 10 vừa qua.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 10/2023 đã có mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh và những nhóm ngành cổ phiếu nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

TTCK Việt Nam trong tháng 10/2023 đã trải qua đợt giảm điểm mạnh lên đến 10%, là một trong những đợt giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2022 trở lại đây (xem Biểu đồ 1).

Nguồn: Fiinpro, GTJASVN

Trong tháng 10, tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận diễn biến giảm, với 4 ngành giảm sâu nhất là bán lẻ, dịch vụ tài chính, thực phẩm & đồ uống và bất động sản (BĐS), với mức giảm lần lượt là 27%, 16%, 13,3% và 13%. 4 nhóm ngành này chiếm đến hơn 50% giá trị giao dịch toàn thị trường, do đó, ảnh hưởng đáng kể đến lợi suất thị trường trong tháng 10 vừa qua (xem Biểu đồ 2).

Nguồn: Fiinpro, GTJASVN

 

Về nguyên nhân giảm điểm tại các nhóm ngành này, có thể kể đến những nguyên nhân chính như sau:

Một là, sự sụt giảm kết quả kinh doanh tại các nhóm ngành: trong quý III/2023, các nhóm ngành bán lẻ, Thực phẩn & đồ uống và bất động sản đều ghi nhận sự suy giảm trong lợi nhuận sau thuế (LNST), cụ thể: Bán lẻ là ngành có mức suy giảm LNST lớn nhất, với tổng LNST toàn ngành giảm 68% so với cùng kỳ 2022. Theo Khảo sát Doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report được thực hiện vào tháng 08/2023, top 6 khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ đang phải đương đầu trong năm 2023 bao gồm: sức mua yếu, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành, biến động tỷ giá, rủi ro lạm phát gia tăng và lượng hàng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, BĐS cũng là ngành có LNST giảm đến 30% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn như: khó khăn trong huy động vốn, lãi suất huy động dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, chi phí đầu tư phát triển dự án tăng (do tỷ giá tăng, giá nguyên vật liệu tăng), các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ khiến thủ tục phát triển dự án kéo dài, phức tạp (xem Biểu đồ 3).

Nguồn: Fiinpro, GTJASVN

 

Hai là, tâm lý lo ngại của NĐT trước diễn biến vĩ mô kém tích cực: Dữ liệu kinh tế vĩ mô công bố với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm không mấy khả quan ở mức 4.24%, cách xa mục tiêu đầu năm là 6.5%. Hơn thế nữa, lo ngại về việc đảo chiều chính sách tiền tệ trong bối cảnh áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng trong tháng 10, xung đột địa chính trị ở Trung Đông và rủi ro lan rộng đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu khiến tâm lý risk-off dâng cao không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà cả thị trường chứng khoán toàn cầu (xem Biểu đồ 4).

Nguồn: Bloomberg, GTJASVN

Trước diễn biến đó, nhóm ngành Dịch vụ tài chính mà đại diện ở đây là nhóm cổ phiếu Chứng khoán, mặc dù ghi nhận sự gia tăng trong cả doanh thu và LNST trong quý III/2023, đã trải qua pha điều chỉnh giảm lên đến 16% trong tháng 10. Trên thực tế, đây có thể là động thái chốt lời của nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu chứng khoán khi hầu hết các yếu tố kỳ vọng như cải thiện kết quả kinh doanh hay nâng hạng thị trường đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Định giá hầu hết các cổ phiếu ngành Chứng khoán đang ở mức cao lịch sử, việc điều chỉnh để cân bằng lại vùng giá là hoàn toàn hợp lý.

 

Một số chuyên gia cho rằng, khi thị trường điều chỉnh sâu cũng là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu tốt, giải ngân cho mục tiêu trung hạn. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này và có khuyến nghị gì đến nhà đầu tư trong thời gian tới?

Việc TTCK biến động mạnh là cơ hội hay thách thức, còn tuỳ thuộc vào mục đích của giao dịch. Đối với những nhà đầu cơ/ trader, với khoảng thời gian nắm giữ ngắn hạn, việc tham gia vào thị trường tại thời điểm nhiều biến động và rủi ro khó đoán định như hiện nay có thể tạo ra nhiều thách thức hơn cơ hội. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư dài hạn, thị trường điều chỉnh là một cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc giải ngân vào những nhóm ngành, những doanh nghiệp với tiềm năng tăng trưởng bền vững, với nội tại vững mạnh.

Khuyến nghị dành cho những người tham gia thị trường trong thời điểm này là nên phân tích kỹ càng để sàng lọc ra những cơ hội đầu tư có giá trị, lựa chọn những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành phòng thủ (điện nước/ tiêu dùng thiết yếu/ viễn thông …) hoặc những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chu kỳ nhưng chu kỳ của ngành đang theo xu hướng tăng trưởng và nên là những doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế tài chính mạnh, để có thể trụ vững được trước biến động khó lường từ vĩ mô trong nước và trên thế giới.

 

Bà dự báo như thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán hai tháng cuối năm (các nhóm ngành cụ thể tăng/giảm)? Ông/bà có thể chia sẻ, gợi ý về chiến lược đầu tư trong thời gian tới?

Diễn biến thị trường những tháng cuối năm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro vĩ mô trong nước cũng như trên thế giới.

Thứ nhất, những rủi ro trọng yếu mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt bao gồm: rủi ro khủng hoảng thị trường BĐS tại Trung Quốc, rủi ro biến động giá hàng hoá do căng thẳng địa chính trị leo thang và những gián đoạn nguồn cung đến từ biến đổi khí hậu, rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao, rủi ro dư địa chính sách tài khoá tại các quốc gia cạn kiệt do nợ công tăng, chi phí vốn tăng.

Thứ hai, từ nội tại kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh mở cửa hội nhập ngày càng gia tăng, cũng phải chịu tác động từ rủi ro vĩ mô thế giới, đặc biệt là diễn biến vĩ mô Trung Quốc. Bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước cũng phải đương đầu với những thách thức trong việc khôi phục thị trường BĐS và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sau những sự kiện xử lý vi phạm đối với FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá và lo ngại về việc đảo chiều chính sách tiền tệ vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

Trước những rủi ro như trên, TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm khả năng cao vẫn sẽ trải qua những đợt biến động mạnh khi mùa lễ tết cũng như chốt giá trị tài sản thuần (NAV) đang đến gần. Trong trường hợp có phát sinh thông tin tiêu cực, hầu hết các nhóm ngành đều sẽ bị ảnh hưởng giảm, tương tự như diễn biến của thị trường trong tháng 10.

Chiến lược đầu tư nên được cân nhắc trong giai đoạn biến động này nên là chiến lược đầu tư dài hạn, dựa trên nguyên tắc phân tích và sàng lọc kỹ càng các ngành nghề tiềm năng, doanh nghiệp vững mạnh. Nhà đầu tư cũng nên hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này và nên cân nhắc giải ngân từng phần, để tận dụng hiệu ứng điều chỉnh của thị trường (nếu có).

Liên hệ với chúng tôi

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1209.52   4.55   (0.38%)
    • HNX: 226.82   -0.75   (-0.33%)