Trung tâm phân tích

Guotai Junan (Vietnam) Weekly Strategy -03/04/2023-07/04/2023

03/04/2023

Chia sẻ:

NHẬN ĐỊNH CHIẾN LƯỢC 

Một tuần nữa lại trôi qua, chúng ta chứng kiến bớt đi những diễn biến giật gân trên các thị trường quốc tế nhưng thay vào đó là những thông tin đáng chú ý với thị trường trong nước. 

Với các thị trường quốc tế, chúng ta chứng kiến sự khởi sắc của một loạt các chỉ số cổ phiếu của các thị trường trên phạm vi toàn cầu. Cuộc khủng hoảng thanh khoản ngân hàng ở các nước phương Tây cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng trong tuần vừa qua, lạm phát Mỹ tính theo chỉ số PCE cho thấy sự suy yếu. Và không loại trừ khả năng việc các thị trường cổ phiếu diễn biến tích cực là do các vị thế bán khống bị buộc phải đóng lại. Tuy nhiên, một điều cũng rất đáng chú ý là số liệu Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc, công bố vào ngày thứ sáu cuối tuần, cho thấy sự hồi phục rất tích cực của nền kinh tế lớn nhất Châu Á và lớn thứ hai thế giới này. Và một điều rất chắc chắn là sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến kinh tế của nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam (và có thể là cả Mỹ). 

Quay trở lại với những diễn biến trong nước. Ngay đầu tuần chúng ta có những nội dung về Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất là việc cho phép trái phiếu mà trước đó Ngân hàng đã bán hoặc trái phiếu cùng lô mà ngân hàng đã bán đi trước đó, mà hoạt động bán này thực chất là phân phối lại nếu chúng ta nhìn vào bản chất. Tuy nhiên ngoài thay đổi mang tính nới lỏng này thì những thay đổi khác lại có phần mang tính thắt chặt hơn. Và có lẽ đây chưa phải là lời giải cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện tại. 

Không lâu sau đó, vào giữa tuần, chúng ta có những số liệu của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 3 cũng như quý I năm 2023. Điều đáng mừng là lạm phát tiếp tục cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng điều đáng lo là lạm phát hạ nhiệt do nền kinh tế Việt Nam đang suy yếu một cách rõ rệt hơn nhiều. Với tăng trưởng GDP chỉ ở quanh vùng 3%, vùng đáy của nhiều năm, khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng suy giảm. Trong khi nếu nhìn vào các cấu thành của tổng cầu như tiêu dùng cuối cùng hay tích lũy tài sản cũng cho thấy sự suy yếu mạnh, thậm chí là mạnh nhất trong nhiều năm (như với tích lũy tài sản). 

Và thông tin đáng chú ý nhất, và cũng là xuất hiện muộn nhất trong tuần, là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng nhu cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế thì lại cho thấy vấn đề. 

Nhìn chung, chúng ta đã có những xác nhận khá rõ ràng từ các số liệu thống kê về sự suy yếu của nền kinh tế Việt Nam trước những tác động từ lạm phát cũng như điều kiện tài chính thắt chặt của năm 2022, hay tình trạng khó khăn về thanh khoản của lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cần chú ý rằng những số liệu thống kê vĩ mô được công bố này, xét về bản chất ở trong chuỗi mắt xích của nền kinh tế, là những số liệu xác nhận mang tính “lagging”, tức là đi sau những chuyển động mới nhất. Trong khi đó, những yếu tố “leading”, hay dẫn dắt, mà chúng ta đang thấy ở đây là việc chính sách tiền tệ đang được điều hành theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế (nhờ một nền tảng thanh khoản dồi dào) cũng như sự trở lại của một yếu tố quan trọng mang tính toàn cầu là Trung Quốc. Và thị trường cổ phiếu, thì thường chuyển động cùng các yếu tố dẫn dắt.

Liên hệ với chúng tôi

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1276.85   7.06   (0.56%)
    • HNX: 241.43   0.63   (0.26%)