Trung tâm phân tích

GTJAS Vietnam_Weekly Strategy Notes 32_20230731

31/07/2023

Chia sẻ:

NHẬN ĐỊNH CHIẾN LƯỢC

Với thị trường Mỹ, tuần vừa qua đã diễn ra cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Không ngoài dự đoán thì Fed đã tăng lãi suất mục tiêu điều hành của mình lên thêm 0.25% (sau khi tạm dừng trong tháng 6). Fed tiếp tục cho thấy sự lạc quan gia tăng của mình về việc nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái. Và gần như thêm phần củng cố cho quan điểm này của Fed thì số liệu GDP được công bố ngay sau đó cho thấy tăng trưởng GDP quý 2/2023 của Mỹ đạt 2.4%, cao hơn so với kỳ vọng chung 1.8% và cao hơn so với quý 1/2023 (2.0%).

Một diễn biến rất đáng chú ý, có lẽ là đáng chú ý nhất trong tuần qua (hơn cả cuộc họp FOMC của Fed) là việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (Bank of Japan, BoJ) đã điều chỉnh (tweak) chính sách Kiểm soát đường cong lợi suất (Yield curve control, YCC) của họ, mà như cách họ truyền thông ra là với “sự linh hoạt lớn hơn” (greater flexibility). Cụ thể, nếu như trước đó, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật Bản được BoJ đặt mục tiêu là 0% và cho phép biến động trong khoảng biên độ +/-0.5% (tức là BoJ sẽ tự mua chặn lại để lợi suất chỉ có thể đạt đến 0.5% tối đa) thì ở lần điều chỉnh này biên độ +/-0.5% không còn là mức chặn cứng nữa, thay vào đó mức chặn cứng giờ sẽ được nới rộng ra thành +/-1%, và BoJ cũng có thể tiến hành can thiệp bất cứ khi nào họ thấy cần thiết ở khoảng dao động từ 0.5% – 1%, đây chính là lí do mà họ gọi nó là “sự linh hoạt lớn hơn”.

Quay trở lại Việt Nam, những số liệu vĩ mô tháng 7 vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tuần vừa qua có một số điểm chính:

–         Lạm phát cơ bản tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy giảm cả trên cơ sở so với cùng kỳ YoY (4.11%) cũng như trên cơ sở so với tháng trước MoM (0.24%). Trong khi đó, lạm phát toàn phần vẫn ở vùng thấp dù cho thấy sự gia tăng trên cả cơ so với cùng kỳ YoY (2.06%) cũng như cơ sở so với tháng liền trước MoM (0.45%). Áp lực chính lên lạm phát toàn phần trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ đà tăng của giá thịt lợn, qua đó tác động lên cấu phần Thực phẩm thuộc Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Trong 0.45% MoM của lạm phát toàn phần tháng 7 thì Thực phẩm đóng góp 0.17%, trong đó riêng giá thịt lơn tăng đóng góp 0.09%. Dù vậy thì áp lực này trong thời gian sắp tới có thể sẽ không còn mạnh nữa, thứ nhất là mức nền năm trước để so sánh cùng kỳ của giai đoạn sắp tới ở mức khá cao, thứ hai là giá thịt lợn sau giai đoạn tăng vài tháng gần đây thì cũng bắt đầu chững lại và có khả năng tạo đỉnh.

–         Sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự hồi phục nhẹ, Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tính tăng 3.7% so với cùng kỳ (số liệu này của tháng 6, tháng 5 và tháng 4 lần lượt là 1.8%, 0.5% và -2.4%).

–         Kim ngạch xuất nhập khẩu nhìn chung tiếp tục thu hẹp đà giảm trên cơ sở so sánh với cùng kỳ YoY – vẫn suy yếu nhưng có sự cải thiện.

Với thị trường cổ phiếu, VNIndex có tuần tăng điểm tích cực thứ tư liên tiếp. Nếu như giai đoạn 2-3 tuần trước chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh cả tuần của VNIndex đạt một mặt bằng mới cao hơn ở mức 80 ngàn tỷ thì trong tuần vừa qua giá trị giao dịch khớp lệnh cả tuần đã tăng lên đến 95 ngàn tỷ. Dòng tiền tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn và nâng đỡ xu hướng tăng hiện tại của thị trường.

Liên hệ với chúng tôi

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1276.85   7.06   (0.56%)
    • HNX: 241.43   0.63   (0.26%)