Trung tâm phân tích

Guotai Junan (Vietnam) Weekly Strategy -10/04/2023-14/04/2023

10/04/2023

Chia sẻ:

NHẬN ĐỊNH CHIẾN LƯỢC

Nhìn lại một tuần vừa qua, chúng ta thấy có vẻ mọi thứ đang bớt dồn dập hơn và có vẻ chậm lại. Nhưng thực tế không hẳn, mọi thứ vẫn chuyển động theo guồng quay của nó, chỉ là những khía cạnh tác động mạnh mẽ đến nhận thức của chúng ta thì có vẻ ít hơn, nhưng không hề vì thế mà kém quan trọng.

Ngày làm việc cuối tuần chứng kiến một Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (Nonfarm Payrolls) tháng 3/2023 của Mỹ với những số liệu về thị trường lao động cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khá rõ ràng. Số lượng việc làm mới tạo ra thấp hơn dự kiến và thấp hơn nhiều so với tháng liền trước, thu nhập trung bình mỗi giờ có mức tăng thấp nhất từ tháng 6/2021, số giờ làm việc trung bình trong 1 tuần giảm, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động tăng trở lại.

Một điều đáng chú ý là những số liệu lao động này chưa thực sự phản ánh những chuyển động mới nhất sau khi cuộc khủng hoảng thanh khoản ngân hàng tại Mỹ diễn ra. Và với tình hình mới nhất, khi mà điều kiện tín dụng từ hệ thống ngân hàng Mỹ bắt đầu trở nên thắt chặt hơn vì lo ngại rủi ro thanh khoản, thì trong tương lai chúng ta có thể sẽ còn thấy những sự hạ nhiệt mạnh hơn nữa của thị trường lao động, hay lạm phát, và rộng ra nữa là cả nền kinh tế Mỹ. Vui hay buồn thì chưa biết nhưng chắc chắn là điều đó giúp cho sự kết thúc của quá trình tăng lãi suất của Fed ngày càng gần hơn.

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta có những thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục mua được USD từ hệ thống ngân hàng, qua đó đẩy thêm thanh khoản ra hệ thống ở chiều đối ứng ngược lại. Thanh khoản dồi dào là điều mà chúng tôi đã liên tục đề cập trong thời gian gần đây, không phải là chuyện quá mới, và một phần đối ứng ở phía nhu cầu tín dụng cũng đang yếu, cũng đã được đề cập. Nhìn câu chuyện của Việt Nam rộng ra một chút và gắn vào bối cảnh trên thế giới, chúng ta thấy khá thú vị. Nếu như các nước phương Tây như Mỹ hay Châu Âu mới bắt đầu đi vào đoạn cuối của quá trình tăng lãi suất và đang đứng trước những lo ngại về sự suy yếu sắp tới của nền kinh tế thì ở Việt Nam, lãi suất điều hành đã bắt đầu được giảm từ vài tuần trước, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng đã bộc lộ luôn dấu hiệu suy yếu, tức là Việt Nam có vẻ như đang đi nhanh hơn trong câu chuyện chu kỳ này. Nhưng còn nhanh hơn cả Việt Nam, là Trung Quốc, với những chính sách kích thích kinh tế đã diễn ra từ lâu và cho đến hiện tại đang bắt đầu cho thấy những kết quả. Câu chuyện nhìn qua có vẻ chia rẽ và phân hóa, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng có một điểm liên kết ở đây: đó là thanh khoản của hệ thống tài chính sẽ phụ thuộc lớn vào Mỹ (mà cụ thể là Fed) trong khi nền kinh tế thực sẽ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Nếu các chính sách tiền tệ của Mỹ bắt đầu lỏng hơn (chứ chưa cần đến mức nới lỏng), cộng với nền kinh tế Trung Quốc tác động tích cực thì đó là một sự kết hợp hoàn toàn có lợi cho Việt Nam.

Liên hệ với chúng tôi

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1276.85   7.06   (0.56%)
    • HNX: 241.43   0.63   (0.26%)