Trung tâm phân tích

GTJAS Vietnam_Báo cáo chiến lược tuần 12_20230320

20/03/2023

Chia sẻ:

NHẬN ĐỊNH CHIẾN LƯỢC

Nối tiếp một tuần trước đó với những câu chuyện về sụp đổ ngân hàng, chúng ta vừa trải qua một tuần cực kỳ biến động, như một hệ quả tất yếu, với rất nhiều những diễn biến trên cả bình diện trong nước cũng như quốc tế. Ở bình diện quốc tế, thực sự là một tuần quá nhiều câu chuyện xảy đến, cụ thể:

–        Cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp diễn, và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã vào cuộc để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống với các công cụ cung cấp thanh khoản (cả cũ cả mới) của mình. Tuy nhiên, điều cần chú ý là các biện pháp hỗ trợ thanh khoản này dù có làm bảng cân đối của Fed mở rộng trở lại (thậm chí là rất nhiều) nhưng đó không phải là Nới lỏng định lượng (Quantitative easing – QE), và chỉ mang tính chất hỗ trợ thanh khoản trong trường hợp cần thiết.

–        Credit Suisse, một ngân hàng rất lớn của Thụy Sỹ cũng như trên toàn cầu, cũng rơi vào trạng thái nguy hiểm trong tuần vừa qua, sau quãng thời gian dài vật lộn để tái cơ cấu nhiều năm gần đây. Credit Suisse sau đó nhận được khoản hỗ trợ của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) và đến cuối cùng đã tiến hành sáp nhập với UBS, một ngân hàng lớn khác của Thụy Sỹ.

–        Fed mở lại Swap line (một công cụ hỗ trợ thanh khoản USD của Fed cho các Ngân hàng trung ương khác trên thế giới) với một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới (trong đó có SNB).

–        Lạm phát toàn phần của Mỹ vẫn đang giảm nhưng mức giảm không quá đáng kể, trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục cho thấy mức tăng đáng kể so với tháng trước.

–        Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra mức tăng lãi suất 0.5% trong bối cảnh lo ngại về sự bất ổn trong hệ thống tài chính gia tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ra quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với hệ thống ngân hàng bớt 0.25%.

–        Và một điều rất quan trọng, đó là mức độ biến động (volatility) trên các thị trường Trái phiếu chính phủ lớn trên thế giới, từ Mỹ đến Nhật Bản, Đức đã tăng vọt lên mức cao nhất trong rất nhiều năm – là điều cho thấy một sự bất ổn đáng lo ngại cho các loại tài sản an toàn vốn được sử dụng làm thế chấp (collateral) trong hệ thống kênh dẫn tài chính (financial plumbing) trên toàn thế giới.

Quay trở lại với những diễn biến trong nước, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã đưa ra một quyết định khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, đó là giảm một số loại lãi suất điều hành của mình, trong đó đáng chú ý là các lãi suất trên thị trường hai. Hiểu một cách đơn giản, trong cách điều hành bằng một hành lang các loại lãi suất, từ sàn đến trần, thì SBV đã nới khoảng không gian ở phần trần của hành lang lãi suất ra, qua đó tạo thêm sự linh hoạt theo chiều xuống cho khu vực trần này (là khu vực mà lãi suất liên ngân hàng hiện tại vốn dĩ đang chạm kịch đến đó).

Những diễn biến quá phức tạp trên thị trường quốc tế đã khiến cho việc SBV giảm lãi suất điều hành chỉ gây được hiệu ứng tích cực đến thị trường trong vỏn vẹn một phiên giao dịch, âu cũng là điều có thể hiểu được. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang trong vài ngày sắp tới đây của Fed, nơi mà những quyết định tiếp theo về lãi suất mục tiêu của Fed sẽ được đưa ra, cũng như quan điểm của họ về tình hình hiện tại của hệ thống tài chính. Một điểm thú vị, và quan trọng, nên được biết đến, đó là trước khi mang trên mình hai trọng trách bình ổn lạm phát cũng như toàn dụng lao động, Fed được tạo ra nhằm hướng đến mục đích là ổn định hệ thống.

CHIẾN THUẬT GIAO DỊCH

Thị trường đã có tuần giảm nhẹ trở lại. Quãng thời gian giao dịch ở vùng điểm hiện tại tiếp tục kéo dài, và như chúng tôi nhiều lần đề cập, vùng điểm hỗ trợ quan trọng đại diện cho xu hướng tăng trung hạn vẫn được giữ vững. Nếu vẫn duy trì quan điểm về kì vọng tăng trung hạn thì đây là thời điểm để giải ngân. Dù vậy, trước những diễn biến phức tạp của tình hình vĩ mô thì cũng cần có những sự tiết chế nhất định.

Danh sách báo cáo liên quan

GTJASVN Research_Báo cáo chiến lược tháng 10_Chu kỳ thanh khoản cải thiện có giúp VNINDEX vượt 1300_Oct2024

02/10/2024

Chu kỳ thanh khoản mở rộng nối dài: Thanh khoản toàn cầu cải thiện sau các động thái nới lỏng từ NHTW các nước, điểm...

GTJASVN Research_Báo cáo chiến lược đầu tư 2H.2024_ Mid year Outlook_July v1.0

18/07/2024

KỊCH BẢN THỊ TRƯỜNG 6 THÁNG CUỐI NĂM Chúng tôi cho rằng VNINDEX sẽ kết thúc năm quanh mốc 1,310, tương ứng mức tăng 15.94%ytd...

Liên hệ với chúng tôi

    Thông tin tuân thủ xin liên hệ:

    compliance@gtjas.com.vn

    • Chỉ số chứng khoán
    • VNINDEX: 1228.1   -0.23   (-0.02%)
    • HNX: 221.29   -0.47   (-0.21%)