Cập nhật Vĩ mô Việt Nam 05/2024:
- Vào tháng 5, một trong những sự kiện quan trọng nhất được theo dõi là kết quả cuộc họp chính sách định kỳ của Ủy ban thị trường mở (FOMC) của Mỹ, trong đó quyết định về lãi suất điều hành sẽ được đưa ra. Trong cuộc họp lần này, mặc dù lãi suất Fed được giữ nguyên, nhưng với việc nền kinh tế Mỹ và lạm phát nước này có những dấu hiệu giảm nhiệt ngày một rõ ràng hơn, thì ngày càng có nhiều dự đoán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất từ 1-2 lần trong năm nay, và có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 9/2024.
- Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, các dấu hiệu tích cực và thách thức của nền kinh tế vẫn đan xen khi chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 6.7%, vượt hơn so với dự đoán là mức 5.5% đồng thời chỉ số Caixin PMI đạt mức 54.0 cho thấy xu hướng mở rộng của các doanh nghiệp tư nhân SME. Ngược lại chỉ số Sản xuất PMI ghi nhận mức thấp 49.5 và doanh số bán lẻ chỉ tăng 2.3% thấp hơn kỳ vọng là 3.7%. Đầu tư vào tài sản cố định tại Trung Quốc trong tháng cũng chỉ tăng 4.2% và thấp hơn dự báo là 4.6%.
- Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp báo cáo của Trung Quốc vẫn giảm trong tháng, đạt mức 5.0% so với dự báo 5.2%. Để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và thị trường BĐS, Ngân hàng TW Trung Quốc (PBoC) cam kết cho vay khoảng 300 tỷ NDT cho các doanh nghiệp quốc doanh để mua các BĐS đã hình thành nhằm chuyển đổi thành nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân
- Tại Việt Nam, tháng 5 tiếp tục ghi nhận sự phục hồi của sản xuất công nghiệp trong nước, khi chỉ số IIP đạt mức tăng 8.87% so với cùng kỳ 2023, tăng tốc so với mức tăng 7.39% của tháng 4 trước đó. Ngành Chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của sản xuất công nghiệp, khi tăng 10.6% trong tháng 5, cao hơn hẳn mức tăng 7.8% của tháng trước đó. Bên cạnh đấy, sản xuất và phân phối điện cũng là một điểm sáng khi tăng trưởng 11.4%, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp vào sản xuất công nghiệp thấp hơn nhiều so với ngành chế biến chế tạo.
Trân trọng!